Lai rai về rượu mạnh

Người viết
Nguyễn Hoàng

Thời nay, chuyện uống rượu tây khá phổ biến nhưng không phải ai cũng quan tâm đến mấy cái loại rượu. Nhân tán chuyện về “rượu chè” với một số bạn bè trên net, mình tham gia viết những điều bản thân trải qua và về một số “dòng rượu” tây có mặt trong nước hiện nay mà mình đã có “nhấm nháp” đôi chút nhưng tự thấy kiến thức mình thiếu nhiều lắm nên trong bài này, mình cầu viện đến một bài viết của một bạn khác, phần chữ in nghiêng. Phần chữ đứng là các bài viết linh tinh của mình, tạm thời tập hợp lại nên không được hệ thống. Mình đưa lên đây để các bạn đọc lai rai chơi, khi nào rảnh sẽ biên tập lại.
———-

Whisky: Có lẽ đây là dòng rượu tây thông dụng nhất, xuất xứ tại Scotland, có những loại sau:

– Johnnie Walker (Ông già chống gậy): Đầu tiên mình thấy và uống được là Johnnie Walker đỏ (Red label), chắc khoảng đầu thập niên 90. Rượu này không ghi thời gian ủ trong các thùng gỗ sồi (NAS: no age statement) ước chừng khoảng 5-6 năm. Tiếp theo là đen (Black label) ủ trong vòng 12 năm. Tiếp theo nữa là vàng (Gold label) 18 năm và có lẽ sau cùng là xanh đậm (Blue label). Tuy nhiên chai xanh lục (Green) được hãng rượu trình làng sau cùng, ghi thời gian là 15 năm.

Nếu dân nghiện thì chọn Red, nặng và rẻ tiền. Hay lai rai và đô cao thì uống Black. Gặp bạn bè thân, ngồi lâu và muốn thơm râu thì chọn Gold. Chọn Blue nếu có nhiều tiền. Thật ra Blue không hơn Gold nhiều lắm về chất rượu nhưng tiền thì hơn nhiều lần.

Những thứ rượu này không khéo chọn thì gặp đồ giả. Dường như Green ít làm giả hơn.

– Chivas Regal: Cũng có những nhãn hiệu mà “độ ngon” tăng dần theo số năm ủ rượu: 12 năm, 18 năm và 21 năm. Bình đựng loại 21 năm được làm bằng sứ, trông sang trọng.

Hai loại trên chất lượng tương đương theo số năm ủ rượu. Chai black có thể dịu hơn chai 12 năm Chivas. Tuy vậy Chivas 21 năm tương đương với Blue label.

– Ballentines: Phổ biến là loại 12 năm ủ. Những loại cao cấp hơn (18 năm, 3o năm) thì khá đăt tiền và mình chưa uống.

– Cognac: được sản xuất từ trái nho vùng Cognac, Pháp. Loại này không ghi theo năm ủ rượu trong thùng gỗ sồi mà thường ghi là: VS (very special); VSOP (very special old product/pale); XO (extra old/ extraordinary), có các nhãn hiệu sau: Remy Martin, Hennessy, Martell, Courvoisier, có đủ loại VS, VSOP, XO.
– Brandy: được sản xuất từ trái cây lên men (kể cả nho hoặc trái cây khác), có những nhãn hiệu như: Remy Napoleon, Reverse,… cũng phân loại theo VS, VSOP, XO.

Loại Cognac thường dịu, ngọt ngào do ủ lâu năm hơn so với thời gian quy định của luật nước Pháp đối với các ký hiệu VSOP, XO. Brandy thì nồng và kém ngon hơn.

– Vodka: Những nhãn hiệu sau đây mình đã nhấm nháp được: Vodka Nga, Standart, Putinka (sản xuất ở Nga), Smirnoff (nhãn đỏ/xanh) (sx ở Nga/Anh quốc) Absolut (Thụy điển), Vodka Hà Nội,…

Đặc tính chung của dòng vodka là: không màu, hương nồng như cồn, độ cồn khá cao (từ 40 trở lên 53 độ, ngoại trừ vodka Hà Nội, chai 0,5 lít là 30 độ).

– Rượu tàu: Nổi tiếng có lẽ Mao đài tửu, mình cũng đã uống, hương vị khác với rượu tây và rất nặng (cỡ 55 – 60 độ), có mùi giống như mùi mãng cầu xiêm pha trộn thoang thoảng mùi sầu riêng. Giá Mao đài ngay tại tàu cũng đắt lắm (so với rượu tây). Có lần đến Vân Nam, không mua nổi Mao đài nên mình mua vài chai Quế Lâm tửu, hương vị cũng hay hay.

——-
Phân biệt rượu tây thật giả cũng dễ và cũng khó.

Dễ là khi rượu rót vào ly rồi, đưa lên mũi và nhấp vào miệng thì có thể phân biệt được thật giả ngay. Đặc biệt là chưa uống chất cồn gì trước đó.

Khó là khi chưa mở nút, không thể nhìn bề ngoài chai rượu để khẳng định nó là thật hay giả. Nếu uống êm êm rồi thì cũng khó phân biệt chính xác khi uống.

Khó hơn đó là rượu dỏm: pha chế kiểu gì đó không biết mà rượu còn giữ được hương, được vị cỡ 50%. Khi đó bảo thật cũng khó, bảo dỏm cũng rách việc. Thường giả kiểu này theo kiểu, ví dụ Chivas 12 năm nhưng vào chai 18 năm, tranh luận thật/dỏm quả là gay văn go.

Khó hơn nữa là chất lượng rượu nhập cho vùng Đông Nam Á thường bị giảm sút và có pha chế riêng cho vùng này. Ví dụ, chai Gold label 18 năm uống rất thơm, rất dịu. Nay thay bằng loại Gold label Reserve thì ít thơm, hăng nồng hơn. Nhiều người cứ bảo do bây giờ uống nhiều rượu ngon nên cảm giác như vậy.

Nhìn vào chai nguyên chưa mở các loại rượu tây kể trên, mình không phân biệt được thật giả. Nhưng khi rót ra ly, uống vào miệng thì xác định được ngay. Có lần dọa cá độ với bạn bè rằng, cứ rót ra ly các loại rượu whisky (Johnnie Walker/ Chivas) hoặc Cognac, Brandy (kể trên) các loại từ 12, 15, 18, 21 năm, … mình sẽ xác định đúng các loại cho dù bị bịt mắt trước đó. Ai thua sẽ trả tiền. Nhưng cuối cùng không ai cá độ cả, có lẽ thắng hay thua thì mình hoặc bạn bè bị thủng túi

Mua rượu ở tiệm người quen thì yên tâm vì chủ hàng biết xuất xứ nguồn rượu. Gặp đồ dỏm thì trả lại người ta cũng chấp nhận. Đến nơi lạ, để chắc ăn rượu thật thì nên chọn nhãn hiệu ít thông dụng sé ít gặp dỏm. Ví dụ, bây giờ gọi Remy Martin hay Hennessy dễ gặp dỏm nhưng Courvoisier thì khó dỏm vì nhãn hiệu này không mấy thông dụng,…

Mỗi giòng rượu có một cách uống khác nhau. Với Whisky người ta dùng ly miệng rộng, thành thẳng, 1 lần rót rượu vào ly với chiều cao của rượu khoảng 0,5 cm để uống. Có thể uống sec hoặc pha thêm nước khoáng/soda vào ly để giảm độ nồng hoặc uống ngụm rượu xong thì mới uống nước,…

Với cognac thì dùng ly có dạng hình hoa tulip để hương rượu ngưng tụ, xông vào mũi khi đưa ly lên uống. Mắc dù dòng cognac (như Hennessy, Couvoisier,…) cũng nặng như whisky nhưng không thấy người ta chế soda/nước khoáng vào ly rượu. Có chăng là khi uống xong ngụm rượu người ta mới uống nươc để chữa lửa.

Hai loại rượu này bình thường khi uống người ta nhâm nhi, hít ngửi hương, chiêu một ngụm để thưởng thức vị cay cay, ngọt nồng, đậm đà của rượu.

Với vodka người ta dùng ly sứ trằng cỡ nhỏ như tách trà, rót gần đầy ly. Mỗi lần uống, người ta bưng ly rượu lên và “hắt” trọn vào miệng chứ ít ai ngâm nga như 2 dòng rượu trên.

Một đặc điểm của “dòng vodka” là người ta hay pha trộn huyết/mật của các động vật sống như là rắn, ba ba, tắc kè,… vào rượu để uống. Không ai pha trộn vào whisky hay cognac cả. Mình thì rất sợ pha mấy cái thứ linh tinh đó, gặp trường hợp ăn “đặc sản” thì chỉ xin một ly vodka nguyên chất để nhâm nhi chứ không dám chơi mấy cái màu đo đỏ/xanh xanh ấy.

————
Phần sau đây là bài viết nhanh của một bạn rất sành rượu, mình copy vào đây để các bạn đọc thêm. Xin bạn Hoài Hương vui lòng chia sẻ.

Whiskey và Whisky

Theo một số cuốn sách về rượu của những Connoissieur nổi tiếng thế giới như Michael Jackson (không phải là Vua nhạc POP), Jim Murray, Serge, Richard Peterson…, thì do có thời gian, rượu Scotch Whisky bị làm lung tung, không có quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến giảm sút uy tín, nên các Nhà chưng cất ở Ireland quyết định lấy tên gọi chung của rượu whisky Ireland là Irish Whiskey để phân biệt.

Những lò rượu đầu tiên tại vùng đất mới bên thị trấn Bourbon, bang Kentucky của Mỹ cũng là do những người Ai-len nấu, nên họ gọi là Bourbon Whiskey.

Ngoài Ireland và Mỹ, tất cả các nước khác nếu có rượu do mình sản xuất đều gọi là whisky như Scotland.

Whisky Đơn và Whisky Pha trộn

Tại Scotland có 05 dòng whisky:

Loại 1 – Single Malt Scotch Whisky
Loại 2 – Blended Malt Scotch Whisky
Loại 3 – Single Grain Scotch Whisky
Loại 4 – Blended Grain Scotch Whisky
Loại 5 – Blended Scotch Whisky.

Loại 1 – Single Malt Scotch Whisky, tiếng Việt thường được gọi là Whisky Đơn, đúng ra phải gọi là Whisky Mạch nha đơn, hoặc đầy đủ thì phải là Whisky Mạch nha Đơn cất của một Nhà Chưng cất duy nhất (để phân bệt với Single Grain Whisky – là loại Whisky Ngũ cốc Đơn cất).

Đây là dòng Whisky ngon nhất, giàu hương vị và có độ phức hợp nhất, đồng thời cũng là dòng whisky có giá cao nhất trong số 05 dòng whisky kể trên. Nó đắt và ngon là bởi vì nó được làm theo quy trình cầu kỳ và tốn rất nhiều công đoạn, tốn rất nhiều công sức.

Nguyên liệu của Single Malt là lúa mạch vàng (barley). Barley phải được làm thành mạch nha (Malted Barley) thông qua công đoạn malting process. Trải qua nhiều bước phức hợp khác nhau, nguyên liệu được đem chưng cất theo mẻ (batch) ở những nồi đồng (pot still). Quá trình chưng cất cũng rất công phu. Sau đó, nó được đưa vào ủ trong những loại thùng gỗ sồi khác nhau. Sau khi được ủ đến độ tuổi nhất định, ví dụ 12 tuổi, 15 tuổi hay 18 tuổi…, rượu sẽ được mang ra để đóng chai hoặc blend giữa nhiều thùng rượu khác nhau và đóng chai. Cho dù là được blend từ nhiều thùng rượu khác nhau, thì tất cả các thùng này đều phải được lấy từ một Nhà chưng cất (Distillery) duy nhất, rượu mới được gọi là Single Malt.

Rượu Single Malt của Scotland lại được phân nhóm theo những style khác nhau, căn cứ vào vùng sản xuất và style của Nhà chưng cất. Những vùng nổi tiếng nhất là Speyside (với style thiên về dịu ngọt và hương thơm hoa quả), Islay (với style nồng nàn, đượm hương khói và vị biển), Highland (với độ dải khá rộng về phổ hương vị), Lowland (với style hương vị nhẹ nhàng, thanh nhã và dịu dàng), Campbeltown (với style nằm giữa Islay và Speyside)…

Rượu Single Malt thường được đề năm tuổi trên nhãn (Age Statement), trong đó, tuổi ghi trên nhãn là tuổi của thùng rượu trẻ nhất. Tuổi rượu phải được tính đủ ngày (từ ngày, tháng của năm A đến ngày, tháng của năm B). Ví dụ rượu được chưng cất ngày 01 tháng 10 năm 1990 và đưa vào warehouse để ủ, nếu đóng chai vào ngày 30-09-2010, thì chỉ được ghi tuổi rượu là 19 chứ không được ghi là 20. Tại thị trường VN, chúng ta dễ dàng tìm được những chai này, như Glenfiddich 12yo, 15yo, 18yo, 21yo, 30yo, Macallan 12, 18, 21, 30, Glenmorangie 10, 18, 25, Old Pulteney 12, 17, 21, 30, Balvenie 12, 17, 21, 30…

Một số chai rượu thì lại không ghi tuổi rượu (NAS – No Age Statement). Loại này được phân chia theo 2 thái cực khác nhau, hoặc đó là chai rượu trẻ (thường là từ 3 đến 8 năm tuổi), hoặc là những chai cao cấp (super-premium) có chất lượng đặc biệt, được blend từ nhiều thùng rượu có độ tuổi khác nhau, kể cả những thùng được ủ tới hơn 50 năm. Những chai này có thể kể đến Macallan Select Oak hoặc Estate Reserve. Dễ tìm hơn thì có loại Macallan 1851 Inspiration hoặc Glenmorangie Signet.

Một số dòng sản phẩm thì lại ghi rõ năm chưng cất (Vintage). Cách này thì giống như vang. Nhà chưng cất nhận thấy vào một số năm, họ chưng cất được mẻ rượu có phẩm cấp xuất sắc, nên quyết định sẽ đóng chai nguyên mẻ rượu của năm đó và ghi Vintage. Trên nhãn, họ sẽ ghi năm chưng cất (đồng thời cũng là năm bắt đầu cho rượu vào thùng để ủ) và năm đóng chai. Ở thị trường VN, chúng ta có thể tìm thấy loại Balblair Vintage 2000 (10 tuổi), Vintage 1997 (12 tuổi), Vintage 1991 (18 tuổi), Vintage 1989 (21 tuổi), Vintage 1975 (32 tuổi), Macallan Vintage 1991 (18 tuổi).

Loại 2 – Blended Malt Scotch Whisky

Là rượu pha trộn của các loại rượu Single Malt với nhau. Trước đây, dòng này cũng có thể được gọi là Pure Malt hoặc Vatted Malt, nhưng Luật 2009 của UK (có hiệu lực từ đầu năm 2010) đã chính thức cấm tên gọi Pure Malt và Vatted Malt.

Để tạo ra một dòng rượu mới với những hương vị khác lạ, một số nhà sản xuất sáng tạo ra bằng cách trộn một số loại single malt với nhau theo những công thức riêng biệt.

Blender có thể chính là nhà sản xuất, nhưng cũng có thể là một nhà khác (họ không sx ra rượu nhưng mua rượu của các nhà khác về để trộn và bán lại).

Dòng này có thể kể đến:

– JW Green Label 15 years old, được pha trộn từ trên 20 loại whisky, trong đó core của blend bao gồm 04 loại Single Malt khá đẳng cấp: Caol Ila, Talisker, Linkwood và Cragganmore.

– Monkey Shoulder, là dòng Blended Malt nổi tiếng của Nhà Glenfiddich, có thành phần bao gồm 03 loại rượu Single Malt do chính Nhà Glenfiddich làm là Balvenie, Glenfiddich và Kinivin.

– Ballantine’s 12years old Pure Malt, được trộn từ trên 10 loại Single Malt, bao gồm Balblair, Old Pulteney, Longmon, BenRiach…

Có một điều khá đặc biệt là, bạn có thể chọn 05 dòng rượu Single Malt rất ngon và đắt tiền để trộn với nhau thành Blended Malt, nhưng sản phẩm cuối cùng lại cho ra một thứ whisky rất dở.

Chai JW Green Label cũng được giới Connoisseur trên thế giới đánh giá như thế. Rượu Caol Ila và Talisker mà 15 tuổi thì khá đắt tiền và rất ngon, nhưng đem trộn với nhau và trộn với một số loại Single Malt khác nữa, thì lại cho ra một sản phẩm có hương hơi nhạt, thiếu cá tính, vị hơi nhiều cay nồng, tươi trẻ. Khi uống, ta có cảm giác là rượu chỉ khoảng 10 năm chứ không phải 15 năm tuổi.

Loại 3 – Single Grain Whisky

Đây cũng là một dòng Whisky Đơn, nhưng mà là Whisky Ngũ cốc Đơn cất.

Sở dĩ gọi là Whisky ngũ cốc là vì thành phần nguyên liệu để lên men là hỗn hợp nhiều loại ngũ cốc, bao gồm lúa mạch chưa làm thành nha (unmalted barley), mạch nha (malted barley), lúa mạch đen (rye), lúa mỳ (wheat) và ngô (maize).

Quy trình làm và nấu loại rượu này đơn giản và công nghiệp hơn rất nhiều so với rượu Single Malt. Việc chưng cất cũng rất công nghiệp. Các nhà nấu rượu dùng hệ thống lò chưng cất hình tháp (Column Still) thường bằng inox, chưng cất theo công nghệ vào-ra liên tục (chứ không theo từng mẻ một như Pot Still). Đây cũng chính là công nghệ để chưng cất rượu Vodka (kể cả Nga, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan hay VN…). Chính vì áp dụng quy trình và công nghệ làm rượu đơn giản, công nghiệp nên giá thành để sản xuất ra loại rượu này rất rẻ nếu đem so với việc làm rượu Single Malt.

Nhưng tiền nào của nấy. Sản phẩm đầu ra của loại rượu này khá tinh khiết (pure), nhưng trung tính (neutral) và thiếu tính cách, thiếu hương vị.

Bởi vậy, rượu Single Grain Whisky đa phần được bán cho các Nhà chuyên Blend để dùng làm rượu background cho các sản phẩm Blended Scotch Whisky, chứ ít khi được đóng chai dưới dạng Single Grain Whisky.

Những chai Single Grain Whisky hiếm hoi hầu như chỉ có thể mua tại chính Nhà chưng cất (khi chúng ta đến thăm Visitor Center của họ – hiện VN cũng đã có một số Tour như thế này) hoặc tại một số Site Bán lẻ nổi tiếng của nước Anh như The Whisky Exchange hoặc The Royal Miles Whisky.

Có thể vào link sau đây để ngắm một chai khá nhiều tuổi (Chưng cất tại Nhà North of Scotland năm 1974, được Nhà Douglas Laing mua về và tự mình ủ 35 năm trong hầm Nhà Douglas Laing theo phưong thức ủ riêng, sau đó đóng chai). Giá chai này bán trên site cũng khá mềm (khoảng 83 Bảng Anh) nếu nhìn vào tuổi rượu và độ hiếm hoi của nó.

http://www.thewhiskyexchange.com/P-11351.aspx

Loại 4 – Blended Grain Whisky

Dòng Single Grain đã ít người uống, thì có ai đem chúng blend làm gì. Có chăng, thỉnh thoảng các Master Blender đem blend chơi chơi để uống hoặc tặng nhau mà thôi.

Loại này gần như không xuất hiện trên thị trường, kể cả ở UK.

Loại 5 – Blended Scotch Whisky

Đây là dòng rượu whisky Scotland phổ biến nhất trên thế giới, chứ không riêng gì tại VN.

Trước đây, nói đến Scotch Whisky là nói đến Johnnie Walker, sau này thì là Chivas rồi Ballantine’s.

Trong các Báo cáo và Tạp chí nghiên cứu về ngành công nghiệp rượu, con số thống kê vào những năm 2005, 2006 cho thấy khoảng 90% rượu Scotch Whisky bán ra trên thị trường thế giới là loại rượu này.

Tuy nhiên, gần đây, trên khắp thế giới, và ngay tại VN, dòng Single Malt ngày càng được ưa chuộng vì tính sang trọng và đẳng cấp của nó. Có thể rồi đây, sản lượng của Blended Scotch Whisky cũng sẽ giảm đi (xét về tỷ lệ % chứ không xét về volume).

Chắc đọc đến đây, nhiều người đã đoán ra: Blended Scotch Whisky là gì?

Nó là hỗn hợp rượu pha trộn của nhiều loại whisky bao gồm một số loại Single Malt và một số loại Single Grain trộn với nhau theo công thức bí mật của từng Nhà, được Master Blender tuyển lựa và quyết định chất lượng.

Thông thường, trong thành phần của Blended Scotch Whisky sẽ có khoảng 35% là Single Malt, còn lại 65% là Single Grain. Đến đây, có thể thấy tại sao 1 chai JW Black Label 12 năm tuổi rất ngon như vậy mà Cty Diageo VN (hàng chính hãng) bán ra chỉ có giá tầm khoảng 420.000 đến 450.000 VND, vậy mà 1 chai Glenmorangie 10 năm tuổi có giá tới 650.000 VND, 1 chai Balblair Vintage 2000 (10 năm tuổi) có giá 780.000 VND, và thậm chí 1 chai Macallan 12 tuổi bán tới giá 850.000 VND (gần gấp đôi chai Black).

Bởi rượu Single Malt có đẳng cấp hơn hẳn Single Grain, nên dòng Blended Whisky nào mà có tỷ lệ Single Malt cao, thì dòng đó thường được giới sành rượu ưa chuộng hơn (và cũng mắc hơn).

Chivas 12, 18, 25; Teacher’s, JW Gold Label, Blue Label là những chai có hàm lượng Single Malt khá cao, từ 45% lên đến trên 60%.

Có một điều khá thú vị: Những dòng Single Malt đem Blend với nhau và blend với Single Grain thường thành công và cho ra sản phẩm mới (Blended Scotch) xuất sắc hơn so với việc chỉ đem Single Malt để blend với nhau (Blended Malt).

Nguyên nhân là: do Single Grain khá trung tính, ít mùi vị riêng, nên dùng làm nền để các loại Single Malt trổ hương, khoe vị. Nó không những không át hương vị của các loại Single Malt mà còn tôn thêm một số mùi hương lên thêm. Trái lại, nếu blend riêng các loại Single Malt với nhau mà làm không khéo hoặc thiếu nguyên tắc (và kiến thức và dự cảm), thì loại Single Malt này sẽ át mất loại Single Malt khác.

Bởi vậy, xu hướng là Blended Scotch Whisky vẫn sẽ tồn tại song song lâu dài với các dòng Single Malt (cho dù sale volume của Single Malt ngày càng tăng), còn các sản phẩm Blended Malt nếu có, cũng chỉ là thêm vào danh mục cho phong phú hơn, chứ các nhà làm rượu sẽ ít không trông chờ vào nó.

Tác giả: Hoài Hương

————

Tiếp theo, mình bàn loạn về chuyện uống.

Uống rượu gặp duyên, gặp lúc thì mới sướng. Sướng nhất là kiếm được chai rượu ngon và uống với bạn bè thân. Khi tiếp/mời khách do mình là host thì cũng dễ chủ động và liệu cơm gắp mắm. Nếu do đối tác mời và mình chỉ là loại lính lác đi kèm thì đôi lúc cũng khổ về chuyện uống. Thời nay, rượu tây dỏm thì ê hề. Gặp đối tác là chủ xị, ưa chơi sang hay tỏ ra hiếu khách gọi rượu tây ra, gặp chai xịn thì OK. Khổ nhất là gặp đồ dỏm. Ngon/dở thôi thì no problem, qua quýt cho xong thế nhưng sợ nguy hại cho sức khỏe khi tọng cái thứ tào lao vô trong người, trước mắt dễ say và sau đó là nhức đầu như búa bổ. Gặp tình huống này phải khéo đánh bài chuồn: chỉ nhấm nháp lấy lệ, lơ lơ thì hắt ly rượu đi nhưng kiểu này khó thực hiện nếu đối tác mà nhiệt tình (thật lòng hay khách sáo không biết), cứ mời nâng ly / cạn ly liên tục theo từng lượt thì không thoát được. Do vậy, những trường hợp không tiên liệu được thì phải khai rằng hôm nay đang uống thuốc tây, xin phép được uống bia/nước khoáng chẳng hạn.

Đã đôi lần, không chuồn trước được mà bị ép uống đồ dỏm (biết chắc là dỏm), mình đau khổ, đôi lúc phát bực (nhưng rất nhẹ nhàng, khẽ khàng) bảo: anh/chị/đồng chí ơi, rượu này có cái hương vị lạ, sợ không biết bị pha chế gì không. Nếu cùng bàn có người phân biệt được thật dỏm và cũng tâm trạng thì thường họ lên tiếng và ủng hộ; những người khác dù không sành nhưng nghe nói là dỏm thì họ cũng ngại uống tiếp. Phát biểu kiểu này là “liều” nhưng mấy lần trải qua, mình đều may mắn thoát nạn, khi thì có người “uy tín” đến xác nhận, khi thì chủ quán ra kiểm tra và xin lỗi,… Và chỉ cần đôi lần như vậy, cộng với vị giác/khứu giác cố gắng ghi nhớ hương vị mỗi loại rượu, sau này mình hay được giao nhiệm vụ kiểm tra chất lượng rượu khi uống. Nhưng chẳng sung sướng gì để thẩm định rượu vì lúc này bọn làm rượu dỏm quá tinh vi hoặc là chỉ dỏm 50% chất lượng rượu, kiểu khai tăng tuổi rượu. Mình biết như vậy nhưng khó thuyết phục người khác, nhất là chủ quán vì uống vào vẫn có hương ấy, vị ấy cơ mà,…

Những vị thuộc dạng ưa tỏ ra tửu lượng cao, trước khi đi uống thì ăn/uống chút gì đó để lâu say, chống nôn mửa. Kinh nghiệm nhiều người bày (nhưng mình chưa áp dụng) đó là ngậm 1 lát sâm Cao ly trước khi đi uống hoặc húp một bát gì đó nhiều chất béo. Tuy nhiên mình nghĩ rằng, nôn mửa là phản ứng của cơ thể khi không chịu được lượng cồn cao hoặc chất độc hại. Nếu tìm cách kìm hãm cơ chế này thì rất nguy hại. Đến lúc cơ thể không phản ứng được, ngộ độc (cồn/chất độc,… ) thì dễ tiêu tùng lắm. Vì vậy, phải cho cơ thể cái quyền phản kháng chứ đừng ép nó lắm mà hư sự,… Nếu bị ép lắm mà phải vào toa lét thì cũng là chuyện đương nhiên, giỏi/dở chi ba cái chuyện uống này,…
—–

Mỗi người đều có những kinh nghiệm uống rượu “sương cho sáo” khác nhau. Cơ duyên gầy độ nhậu thường đến ngẫu nhiên nhưng có khi mình phải chủ động tạo ra. Mùa này, trời Huế vẫn còn se lạnh, vẫn phù hợp với việc nhâm nhi.

Uống rượu với bạn bè cùng gu, dăm người với 1 chai rượu có tên tuổi (không dỏm), bụng không no và không đói, thức nhắm không quá ê hề, ngồi chuyện trò, kháo nhau mùi/vị rượu, hỏi mua ở đâu, so sánh với những lần đã uống là sướng. Những kiến thức chuyên sâu về rượu nếu thủ đắc thì rất hay, rất tốt. Những hiểu biết này dùng để phản biện, đính chính trao đổi trong nhóm, có những bạn bè hay chém gió nhưng không chuẩn. (Người không thân quen chém gió thì mặc kệ họ, góp ý coi chừng rách việc).

Khi uống như vậy đừng để công việc, suy tư chung cũng như riêng chen vào. Những ly đầu tiên cần chạm cốc leng keng để có không khí và cũng để cho “bốc” một chút. Khi đã êm êm rồi thì tùy nghi, ai uống được chừng nào, thích uống chừng nào thì uống, không nên ép nhau. Đã hưng phấn rồi, có người thì nói to, ồn ào, đưa vào miệng khà một cái sạch đến đáy ly; có người thích liu riu, nhấm nháp. Hết trong ly thì tự rót lấy chứ đừng nghĩ rằng tửu lượng mọi người như nhau mà rót đều cho nhau. Thực tình, những phút giây không bận bịu chuyện đời, quần ẩm với bạn hiền, ai nấy đều lâng lâng, tận hưởng thú uống rượu.

Độc ẩm cũng có cái sướng của nó. Đó là khi bạn hoàn thành một công việc hoặc có một buổi chiều thong thả, không ai quấy rầy. Lúc tâm hồn của bạn đang lãng đãng ấy, chiêu từng ngụm rượu trong âm thanh nhè nhẹ của những bản nhạc bạn ưa thích thì cũng sẽ có những phút giây thư giãn thú vị.

Buổi tối cuối tuần, trong khung cảnh riêng tư của đôi vợ chồng (trẻ cũng như già), khi công việc gia đình xong xuôi, vợ theo dõi bộ phim hoặc xem một show nhạc, chồng thì thong thả làm một cút rượu, vừa nhâm nhi, vừa để vợ nhấp môi hoặc “mớm” rượu cho vợ. Không khí hữu tình trong mùi hương nồng của rượu gây cho đôi vợ chồng điều gì đến sẽ đến.

Uống rượu làm sao để mình thật sự chủ động chứ đừng để “rượu uống” mình. “Rượu uống” bởi do nhiều trường hợp, hoặc là tiếp khách hoặc là nể nang hoặc là thách nhau hoặc là để chứng tỏ mình cao dose,… Nếu không may gặp rượu chất lượng kém, rượu dỏm, ngoài việc nhức đầu, ngộ độc sau đó còn lại chất độc sẽ ảnh hưởng đến buồng gan không nhỏ.

Một số bạn bè vốn rất nhiệt tình, hay chiều người khác khi uống. Lúc trẻ cơ thể còn mạnh, chịu đựng được nên không sao. Khi đã quá ngũ tuần, có người thì bị cao huyết áp, kẻ bị viêm gan, người bị gút,… mà hậu quả một phần do bị “rượu uống” hồi trước. Nay thường xuyên bị bác sĩ, gia đình cấm uống, thật sự mình thấy thương những người bạn khi phải uống nước khoáng hay bia loãng trong chầu nhậu của bạn bè như từng diễn ra trước đây. Giá chi ngày xưa ấy, bạn bè đừng ép nhau, đừng quá bốc, đừng bị khiêu khích thì bây giờ vẫn có thể lai rai với mọi người. Không được uống rượu là “đau khổ” thực sự đối với những ai đã thường có niềm vui bên chiếu rượu.

Đây là tâm sự chân tình của mình, không hẳn là lời khuyên cho các bạn trẻ, khi sức lực còn tràn trề.

3 bình luận (+add yours?)

  1. Hieu
    Th4 12, 2011 @ 16:37:03

    Doc vai dong thay bac cung la nguoi yeu ruou,em cung co cai dam me do, khong biet co dip nao duoc ngoi cung nhau doi am duoc khong bac nhi.
    Em co cai chai nay bac xem thu co phai ruou ngon khong nhe:Fettercain Fior

    Trả lời

    • 12b2hamnghi
      Th4 12, 2011 @ 20:08:00

      Tôi chưa được uống chai này nên không rõ hương vị của nó. Nhưng đọc trên mạng thấy nó được làm từ mạch nha (malt) giá cả cũng tương đương với các loại pure malt khác nên chắc là loại ngon. Khi nào bạn uống, xin mô tả hương vị và cảm tưởng của bạn để mọi người biết nhé.

      Trả lời

  2. tran van chuong
    Th5 15, 2016 @ 01:51:43

    Lần đầu tiên đọc một bài viết rất hay và chi tiết về rượu, cám ơn bạn 12b2hamnghi đã chia sẻ. Còn bàn về cái chuyện uống thì bạn cũng rất uyên thâm.

    Trả lời

Gửi phản hồi cho 12b2hamnghi Hủy trả lời